Tổng hợp kỹ thuật đánh cầu lông cơ bản cho người mới tập: cách cầm vợt, di chuyển, tư thế và cách đánh

Cầu lông là môn thể thao thân thiện bậc nhất, bằng những động tác đơn giản, người chơi đã có thể tham gia các buổi tập không chuyên. Thế nhưng, nếu bạn nắm được kỹ thuật đánh bài bản thì sẽ hạn chế chấn thương, trình độ tiến bộ từng ngày và có động lực theo đuổi bộ môn này dài hạn. 

Dưới đây là những bí quyết nhập môn cho những tay vợt mới, cùng Mekong Sport tìm hiểu những kỹ thuật đánh cầu lông cơ bản và các lưu ý để tiến bộ nhanh khi phải đối mặt với tay vợt kỳ cựu nhé.

Tổng hợp kỹ thuật đánh cầu lông cơ bản cho người mới tập: cách cầm vợt, di chuyển, tư thế và cách đánh mạnh

3 yếu tố cơ bản làm nên một tay vợt “bất khả chiến bại”

3 yếu tố quan trọng nhất của cầu lông là: sức mạnh, tốc độ và điểm rơi của cầu. Khi nắm chắc quy luật, phối hợp chúng và đưa ra những quyết định chuẩn xác trên sân chính là nền tảng để chạm đến chiến thắng 

Đầu tiên, sức mạnh là đạn dược. Sức mạnh được thể hiện ở lực đập, đánh xa để đối thủ không thể đỡ được cầu. Thể lực là 1 phần tạo nên sức mạnh khi đánh cầu lông nhưng không phải tất cả. Với môn cầu lông, sức mạnh nằm ở cả cơ tay, sức bật của chân và độ dẻo của cơ thể. Người chơi phải biết cách điều phối để tạo ra sức “nặng” của mỗi cú đánh. 

Cầu lông còn được gọi là môn thể thao nhanh nhất thế giới. Vì quả cầu có khả năng bay  với vận tốc 321 km/h. Trong trận đấu, người đáp ứng được yếu tố tốc độ sẽ tránh được những đường cầu khó và đưa đối thủ vào thủ vào thế bị động. 

Điểm rơi là điểm chạm giữa cầu và bề mặt sân. Tùy theo trận đấu đôi hay đấu đơn mà diện tích bề mặt sân sẽ khác nhau. Trận đấu đôi thì diện tích sân được tính theo vạch ngoài cùng và đấu đơn sẽ tính theo vạch trong. Người chơi phải tính toán sao cho điểm rơi trong phạm vi sân nhưng ngoài khả năng đỡ cầu của đối thủ. Nhất là khi bạn chọn điểm rơi ở 4 góc sân (cận biên) thì càng đòi hỏi sự chuẩn xác cao.

Trên lý thuyết, sức mạnh, tốc độ và điểm rơi là các yếu tố tạo nên bàn thắng. Tuy nhiên, nhiều tình huống trên sân thường đòi hỏi người chơi vận dụng linh hoạt các kỹ thuật nhằm điều phối 3 yếu tố này. Cụ thể thì từng kỹ thuật đánh cầu lông sẽ cân chỉnh các yếu tố trên như thế nào? 

Các kỹ thuật  đánh cầu lông cơ bản cho người mới tập 

Người mới tập nên dành thời gian uốn nắn từng kỹ thuật cơ bản chuẩn chỉnh như cách cầm vợt, tư thế đứng… Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện đúng và tăng lực đánh thì không hề dễ. Chỉ khi bạn dành thời gian tập luyện, điều chỉnh các lỗi cơ bản thì mới có thể đủ nhanh nhạy để xử lý những tình huống bất ngờ, vừa khống chế lực để đưa cầu tới đúng điểm rơi. 

Kỹ thuật cầm vợt cầu lông 

Cách cầm vợt sẽ được thay đổi liên tục trong mỗi lượt cầu về nhằm tạo lực tấn công, phù hợp với chiến thuật của người chơi. Trong đó, cầm vợt cơ bản có 4 cách:

  1. Cầm vợt thuận tay (forehand grip): 

Lòng bàn tay mở rộng, lấy ngón tay cái giữ vợt ở giữa sao cho vợt dựng thẳng, vuông góc với mặt đất. Sau đó, bạn từ từ 4 co ngón tay còn lại để giữ vợt chắc chắn hơn. Cuối cùng, bạn kiểm tra xem ngón tay cái và ngón trỏ tạo thành chữ V là chính xác, cũng vì vậy mà cách cầm này còn có tên là V Grip (cầm vợt kiểu chữ V). 

4 cách cầm vợt cầu lông đúng

  1. Cầm vợt trái tay (backhand grip): 

Cách cầm này được áp dụng khi cầu rơi về bên tay nghịch của bạn. Khi này bạn vừa phải điều vợt qua tay nghịch và lập tức đổi cách cầm. Bạn đưa ngón cái thẳng lên, song song với phần cán để tạo lực đỡ cho vợt. Các ngón tay còn còn lại nắm cán vợt. Cổ tay cách cán vợt 1 khoản vừa đủ để xoay chuyển thoải mái. 

các kỹ thuật cầm vợt cầu lông đúng

  1. Cầm vợt kiểu cán búa: 

Cầm vợt kiểu càng búa hiệu quả nhất với tình thế cần đập cầu. Lực tay là trọng điểm, các ngón tay cầm phần cán vợt sao cho ngón cái không che bất kì ngón tay nào và tất cả ngón tay đều có thể dùng lực tác động lên vợt. Khi cầu tiếp xúc mặt vợt, toàn bộ lực cánh tay xuống ngón tay đập mạnh cầu xuống sân khiến đối phương không thể đỡ. 

cách cầm vợt đánh cầu lông đúng

  1. Cầm vợt kiểu cán chảo

Cầm vợt kiểu cán chảo tương tự như cách bạn cầm cán chảo nấu ăn. Lòng bàn tay sẽ đỡ cán vợt, ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa sẽ điều phối mặt vợt và lực đánh. Cách cầm này áp dụng khi cầu bay xuống thấp, chuẩn bị rơi và bạn cần đánh bổng lên cao để cứu cầu.  

Lưu ý: ngón tay cái không được che bất kỳ ngón tay nào, không nên giữ quá chặt mà lực cầm vừa phải với phù hợp với đường cầu dự tính của bạn. 

Suy cho cùng các cách cầm vợt khác nhau ở việc điều chỉnh ngón tay. Tuy nhiên, việc điều phối được các ngón tay cùng với cả cơ thể trong khi quan sát cầu cũng cần nhiều nỗ lực tập luyện. 

Tư thế đánh cầu lông

tư thế đánh cầu lông đúng

  1. Tư thế tấn công:

Ở thế tấn công, vợt đưa cao ngang trán và cầm theo kiểu thuận tay, cánh tay mở. Khi cầu rơi gần đến đỉnh đầu, cơ thể xoay dọc, bước chân ngược với tay cầm vợt lên trước, chân thuận đưa ra sau làm trụ và mở rộng cánh tay, điều chỉnh mặt vợt để chọn điểm rơi phù hợp. 

  1. Tư thế phòng thủ: 

Tư thế này được áp dụng tốc biến trước những pha đập cầu của đối thủ. Bạn cần điều chỉnh tay về cách cầm thuận tay, đưa vợt xuống thấp ngang bụng, mặt vợt mở rộng để tối ưu khả năng tiếp xúc. Chân cùng bên với tay cầm vợt bước ra sau, 2 chân khuỵu và dồn trọng tâm đều lên cả 2 chân. 

  1. Tư thế đỡ cầu sát lưới:

Chân thuận tay cầm vợt bước lên trước, mở rộng khoảng cách 2 chân, lực chia đều lên 2 chân. Mặt vợt mở rộng, hơi chếch nghiêng về trước để đón và đẩy cầu qua lưới. 

Kỹ thuật di chuyển trong cầu lông

Phạm vi di chuyển trong môn cầu lông tương đối hạn chế nên phải tính toán cẩn thận. Khi đánh đơn, bạn cần linh hoạt di chuyển đến toàn bộ khuôn viên sân và trở về trọng tâm sau mỗi lượt đánh, tránh tạo ra khoảng trống. Diện tích sẽ càng thu nhỏ khi đánh đôi và đồng đội phải cùng nhau phối hợp để tránh va chạm mà không bỏ cầu. Những nguyên tắc di chuyển chân nên lưu ý gồm:

  • Luôn ghi nhớ điểm chính giữa của sân đấu, nhất là khi đánh đơn. Sau khi đỡ cầu, bạn cần nhanh chóng trở về giữa sân để kịp di chuyển cho những lượt cầu tiếp theo.
  • Chỉ bước sang ngang 1 bước. 
  • Chỉ bước lên trước, lùi về sau hoặc chéo sân từ 2 đến 3 bước, tùy theo điểm cầu rơi dự kiến. 

Hướng dẫn cách di chuyển trong cầu lông

Kỹ thuật giao cầu 

Có 2 cách giao cầu, gồm giao cầu thấp tay và giao cầu cao tay. Người chơi cần thực hiện 3 bước sau: chuẩn bị, giao cầu và trở về vị trí trung tâm với cả 2 cách giao. Và việc chọn kỹ thuật giao cầu sẽ ảnh hưởng đến thế trận nên nhiều vận động viên thường rất cẩn trọng khi chọn kỹ thuật giao cầu.

  1. Giao cầu thấp tay  

kỹ thuật phát cầu thấp tay

Giao cầu thấp tay đi cùng kỹ thuật cầm vợt trái tay, chân ngược với tay cầm vợt bước lên trước, đặt vợt nghiêng, cao ngang bụng và đầu vợt hướng về mặt đất. Ngón trỏ và ngón cái cầm lông cầu, 3 ngón còn lại duỗi thẳng. Khi giao cầu, bạn cần nhắm điểm rơi sát lưới, thuộc góc trên của sân. Sau cùng, bạn cần nhanh chóng trở về trọng tâm của sân, với đánh đơn, trở về vị trí theo chiến thuật đã phân bổ, nếu đánh đôi. 

Đối thủ phải cực kỳ nhanh nhẹn để đỡ những bước cầu ngắn như thế này. Nhưng nếu đối thủ đỡ được, khả năng cao bạn sẽ phải nhận lại cú đập cầu vào khoảng trống trên sân. 

  1. Giao cầu cao tay 

Giao cầu cao tay áp dụng kỹ thuật cầm vợt thuận tay, chân thuận tay cầm vợt lùi về sau, đưa vợt ra sau và mặt vợt hướng lên trên. Ngón trỏ và ngón cái của tay còn lại cầm cầu, đặt ngang vai. Ở bước giao cầu, một tay thả cầu, tay cầm vợt đánh mạnh cầu ra cuối sân. Thông thường, điểm rơi ở cuối sân bên trái sẽ được lựa chọn vì là điểm yếu chung của nhiều người. 

Để đỡ được đường cầu này, đối thủ sẽ tạo ra khoảng trống ở giữa sân và khi cầu trở lại phía bạn thì lực đã giảm, tạo ra lợi thế tốt. Trong trường hợp đối thủ cao tay thì cầu thay vì giảm lực, sẽ trở lại bằng những cú đập cực mạnh hoặc đè sát lưới. 

kỹ thuật phát cầu cao tay khi đánh cầu lông

Lưu ý khi giao cầu

Mỗi kỹ thuật giao cầu đều có ưu và khuyết điểm riêng. Điều quan trọng là quan sát kỹ năng của đối thủ. Nếu tốc độ là yếu điểm của đối thủ thì nên giao cầu thấp tay và chọn giao cầu cao tay khi lực đánh của đối thủ không tốt. Song, bạn cần tùy biến thay đổi giữa các lượt giao để đối thủ không thể “bắt bài”. 

Kỹ thuật đập cầu lông

Đập cầu là bước tiến tiếp theo mà người mới bắt đầu đánh cầu lông cần dành nhiều thời gian luyện tập. Kỹ thuật này giúp người tập sẽ từng bước làm chủ tốc độ, phán đoán điểm rơi và điều phối lực đập. Có nhiều cách phân loại, nhưng về tổng thể có 2 loại đập cầu chính là đứng đập cầu và bật nhảy đập cầu. 

Khi nào nên đập cầu?

Kỹ thuật này được áp dụng ở những tình huống cao trào và phía tấn công muốn giành lấy điểm. Tuy nhiên đập cầu không phải “thần chú” cho mọi trường hợp. Nhất là khi bạn mới di chuyển để đỡ cầu hay không ở trong tư thế cân bằng.

Đứng đập cầu sẽ không tạo ra lực đập mạnh như bật nhảy đập cầu. Đập cầu với tư thế đứng thường được áp dụng như 1 bước đệm trước khi bật nhảy. Tức là, phía tấn công sẽ đứng đập cầu trước, đối thủ sẽ phải đỡ cho cầu bổng lên và đây chính là thời điểm hoàn hảo để thực hiện kỹ thuật bật nhảy đập cầu. 

Các bước đập cầu 

Một cú đánh đập cầu tốt là sự kết hợp của hông, thân trên, vai và cổ tay. Lực ở từng bộ phận sẽ được điều hướng khác nhau.

Trước hết, bạn cần xác định điểm rơi và lùi lại ra sau tầm 0,5 mét và vươn vai chuẩn bị đón cầu từ trên cao. Cầu đến gần, bạn cần nhanh chóng điều chỉnh tay cầm, sử dụng kỹ thuật cầm vợt thuận tay, mở mặt vợt và xác định điểm rơi để đối thủ không thể đỡ. Khi cầu đến, cơ thể ngã ra sau và dùng lực khuỷu tay, cổ tay đập mạnh xuống.

Cách đập cầu mạnh, chính xác

các bước đánh cầu cơ bản khi đập cầu

Lưu ý khi đập cầu

Nhiều người thường hiểu lầm rằng lực đập cầu chỉ phụ thuộc vào tay, đặc biệt là cổ tay. Vì vậy họ nắm chặt cán vợt và dùng lực đập thật mạnh. Nhưng kỹ thuật đập cầu chỉ thành công khi lực cầm vợt vừa đủ và đập chính xác điểm yếu của đối thủ. Đó có thể là sân trên, chéo sân hoặc cuối sân nhưng điểm rơi phải chính xác. Nếu không, cầu sẽ bay lệch hướng, hoặc là văng khỏi biên, hoặc là đối thủ có thể đỡ cầu. 

Kỹ thuật bỏ nhỏ

Kỹ thuật bỏ nhỏ là một nghệ thuật tinh tế của môn cầu lông. Khi bỏ nhỏ, lực đánh nhẹ và điểm rơi tập trung ở sân trên khiến đối thủ vừa đỡ những đường cầu mạnh sẽ không kịp di chuyển. Yếu tố tốc độ chia kỹ thuật này thành 2 loại: bỏ nhỏ nhanh và bỏ bỏ nhỏ chậm. Bỏ nhỏ nhanh thì điểm rơi sẽ ở giữa sân, tùy theo khoảng hở của đối thủ. Điểm rơi sẽ gần với biên phát cầu trên khi bỏ nhỏ chậm.  

Kỹ thuật phông cầu (lốp cầu)

Phông cầu (lốp cầu) là những cú đánh sâu, đưa cầu đến sát biên cuối của đối thủ. Đường bay của cầu sẽ theo hình chữ U. Tùy theo thế trận tấn công hay phản công, người chơi sẽ điều chỉnh lực đánh đề tầm bay của cầu thấp/cao theo đúng tính toán. 

  1. Phông cầu tấn công

Lối đánh này thường được áp dụng khi đối thủ đang ở phần sân trên. Cầu sẽ bay thấp, tốc độ nhanh về cuối sân để đối phương nhanh chóng di chuyển để đỡ cầu. Mặc dù, phông cầu không được dùng để ghi điểm nhưng là cách hay buộc đối phương di chuyển nhiều, vừa mất sức vừa lệch trọng tâm và tạo ra những kẽ hở.

  1. Phông cầu phản công 

Phông cầu phản công hay hiểu đơn giản là đánh bổng, đưa cầu lên cao và rơi sâu ở cuối sân để bạn có thời gian trở về giữa sân. Điểm rơi là tương tự phông cầu tấn công nhưng lực cầu sẽ giảm khi sang sân bên kia. Thế nên, ngay khi bạn trở về điểm cân bằng thì có thể sẽ phải tiếp tục ứng biến với 1 cú đập cầu. 

các bước đánh cầu lông cơ bản khi phông cầu

Cầu lông là bộ môn cần vận dụng cả thể chất và tư duy chiến thuật. Việc nắm vững các kỹ thuật chỉ là bước khởi động, bạn cần kiên trì tập luyện mới có thể thành thạo. Nhất là khi mới bắt đầu, bạn sẽ đánh theo bản năng thay vì vận dụng các kỹ thuật trên. Nhưng khi tập thường xuyên, sau một thời gian nhất định, bạn sẽ bất ngờ về khả năng của chính mình.

Tinh thần của thể thao là rèn luyện và vượt lên chính mình, Mekong Sport mong bạn giữ được “lửa” và sớm đạt được trình độ đánh cầu lông như mong muốn!

Tin tức khác

Call: 0907.996.379 Nhắn tin qua Facebook Zalo: 0907.996.379 SMS: 0907.996.379