Cách đánh cầu lông đôi không giống như chơi đơn. Khi đánh, 2 người chơi không những phải kết hợp để tiến công, phòng thủ kịp thời mà phải phân bổ vị trí hợp lý trong không gian hẹp. Thế nên, chiến thuật phát huy được thế mạnh và phân bổ vị trí để 2 người chơi phối hợp nhịp nhàng chính là điểm mấu chốt.
Vậy chiến thuật tấn công, phòng thủ áp dụng như thế nào? Đâu là những điểm cần tránh khi đánh đôi? Cùng Mekong Sport tìm hiểu cách đánh cầu lông đôi hiệu quả thông qua bài viết dưới đây nhé!
Cách đánh cầu lông đôi hiệu quả về mặt chiến thuật
Hai cá nhân xuất sắc chưa chắc đã chơi giỏi khi đánh đôi. Hai cá nhân bình thường nếu biết kết hợp các chiến thuật đánh cầu lông đôi phù hợp sẽ tạo ra sự cộng hưởng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa cầu lông đôi và cầu lông đơn là chiến thuật tấn công và phòng thủ là vị trí đứng. Trong đó sự phân bổ vị trí là tiền đề cho việc vận dụng kỹ thuật, lối đánh khác nhau.
Cách tấn công trong đánh cầu lông đôi
Ở thế tấn công, 1 người sẽ đứng phía trên và 1 người đứng phía sau. Có thể hiểu 1 người sẽ đảm nhận nữa sân trên, sát lưới và 1 người chịu trách nhiệm cho nửa sân dưới.
Người đứng phía sau và những kỹ thuật cần vận dụng:
- Đập cầu thẳng: Những khoảng trống trên sân đối thủ chính là mục tiêu trong những cú đánh này. Lý tưởng nhất để đập cầu thẳng là khi bạn đang đứng ở góc sân. Cầu bay nhanh, mạnh giúp triệt hạ “điểm yếu”, đối thủ không kịp trở tay.
- Đập cầu giữa: Đập cầu giữa nhắm vào khoảng giữa 2 đối thủ để khiến họ hoang mang không biết phân công ai nên đỡ cầu. Giữa những pha đập cầu của thế tấn công, bạn nên thay đổi điểm rơi để đối thủ không đoán trước được đường cầu.
- Đập cầu chính người: Điểm yếu của hầu hết người chơi là đùi, khoảng hở giữa thân người và tay cầm vợt. Khi cầu rơi nhanh, đối thủ sẽ không kịp lùi ra sau để đỡ. Đây là lối đánh hiểm mà nhiều vận động viên thường vận dụng để giành điểm dứt khoát.
- Bỏ nhỏ (gài lưới): Người chơi sẽ đánh cầu về sát lưới khiến đối phương bất ngờ mà không kịp phản kháng. Mục tiêu của chiến thuật tấn công là điều khiển đối thủ di chuyển liên tục, tạo ra khoảng trống. Thế nên, bỏ nhỏ là đường cầu khiến đối thủ để trống điểm giữa sân. Trong nhiều trường hợp, người chơi còn có thể trực tiếp ghi điểm khi bỏ nhỏ, nếu đối thủ không kịp di chuyển.
Đập cầu là kỹ thuật chính để giành điểm khi ở thế tấn công. Tuy nhiên, người chơi cần kết hợp giữa nhiều cách đập cầu, bỏ nhỏ để giữ sức và ra đòn khi thời cơ đến.
Người đứng phía trước và những kỹ thuật quan trọng:
Người đứng phía trước cần có thế mạnh về tốc độ vì chủ yếu phải phản ứng nhanh với những đường cầu ngắn. Những kỹ thuật quan trọng mà người đứng phía trước cần luyện tập là:
- Chụp lưới: Đánh trả ngay khi cầu qua lưới gọi là chụp lưới. Với kỹ thuật này, đối thủ dường như không có cơ hội đánh trả vì cầu sẽ rơi xuống sân ngay lập tức.
- Gài lưới: Tương tự tư thế đập cầu nhưng kỹ thuật gài lưới chọn điểm rơi ở gần lưới để đối thủ không kịp di chuyển. Kỹ thuật này không dành cho việc ghi điểm mà chủ yếu khiến đối thủ lơ là mà không kịp đánh trả pha chụp lưới hoặc đập cầu tiếp theo.
- Tạt cầu (phản tạt): Đánh trả ngay khi cầu còn bay trong không trung gọi là tạt cầu. Cầu sẽ bay ngang tầm mắt, đè sát mép lưới làm cho đối thủ hoàn toàn bị động, không thể đỡ cầu.
Chiến thuật tấn công cần 1 người đứng sau có lực đập cầu mạnh và 1 người đứng trước có ưu điểm về tốc độ cùng các kỹ thuật tinh tế như chụp lưới, gài lưới. Song, 2 người chơi cần 1 quá trình tập luyện để khi đối thủ đỡ được cầu thì phải tạo ra thế trận mới, tiếp tục tấn công.
Cách phòng thủ trong đánh cầu lông đôi
Một trong những cách đánh cầu lông đôi hiệu quả nhanh đó là luyện chiến thuật phòng thủ sao cho bù đắp khoảng trống của nhau đồng thời không “giẫm lên chân đồng đội”. Thay vì kết hợp một cách tự phát hay chia khu vực mệnh ai nấy đánh, hãy bắt đầu với những gợi ý cơ bản dưới đây:
2 người chơi sẽ đứng song song, mỗi người đảm nhận 1 bên sân và phối hợp sát sao với nhau để tập trung đỡ cầu. Không phân loại kỹ thuật riêng cho từng người chơi mà chiến thuật này có 2 lối đánh trọng tâm yêu cầu sự phối hợp của cả 2, gồm: phòng thủ đập cầu và phòng thủ gài lưới.
1.Phòng thủ đập cầu
- Tạt cầu: Điểm rơi của lối đánh này sẽ ở khoảng giữa người đứng trước và người đứng sau của đội tấn công. Người đứng trước sẽ không kịp đỡ cầu và người đứng sau sẽ đỡ vội vàng. Như vậy, cú đánh trả không hoàn thiện, hoặc thiếu lực hoặc không qua lưới. Từ đó, bạn có thể xoay chuyển tình thế, từ phòng thủ sang tấn công.
- Gài lưới: Gài lưới tập trung đánh cầu vào khoảng trống ở khu vực gần lưới. Đội tấn công chỉ có 1 người đứng gần khu vực sân trên. Vì thế, bạn chỉ cần đỡ cầu nhẹ về bên yếu điểm của đối thủ để giành phần thắng.
2.Đánh bổng cầu:
Trong thế phòng thủ, người chơi chỉ có thể “câu giờ” bằng cách đánh bổng ra xa, chờ cơ hội đập cầu. Đánh bổng sẽ tạo điều kiện cho đối thủ liên tiếp đập cầu nhưng ở thế phòng thủ thì người chơi không có sự lựa chọn khác. Cách duy nhất là đánh thật xa để giảm lực đánh trả của đối thủ.
Cách di chuyển hiểu quả khi đánh cầu lông đôi
Khi đánh cầu lông đôi, thế trận liên tục thay đổi đòi hỏi 2 người chơi phải thích nghi và “làm chủ” lãnh địa của mình, kể cả trên, dưới hay 2 bên sân. Để linh hoạt đáp ứng cho mỗi thế trận, mỗi người chơi phải thành thạo các kỹ thuật di chuyển sau:
- Kỹ thuật di chuyển đơn bước trong cầu lông đôi: Kỹ thuật này áp dụng khi cầu rơi gần về 2 bên, ngay người hoặc ở phía sau đỉnh đầu. Một chân sẽ giữ làm trụ, chân còn lại bước về phía cầu rơi để đánh trả. Người chơi cần tính toán chính xác điểm rơi và chọn kỹ thuật đánh trả phù hợp. Vì nhiều khả năng là đối thủ đang đánh vào điểm yếu như tay nghịch hoặc phần đùi.
- Kỹ thuật di chuyển đa bước trong cầu lông đôi: Người chơi phải rời khỏi vị trí giữa sân và cần nhanh chóng trở lại sau đó. Di chuyển đa bước có 2 cách là di chuyển có bước đệm và di chuyển chéo chân. Di chuyển có bước đệm hạn chế vấp chân. Động tác di chuyển chéo chân là kỹ thuật cầu lông nâng cao, giúp người chơi đến điểm rơi nhanh nhưng chứa nhiều nguy cơ chấn thương.
→ Chi tiết xem tại: Lưu ý và cách di chuyển đúng trong cầu lông
Việc kết hợp kỹ thuật di chuyển đơn bước, đa bước trong đánh cầu lông đôi cũng sẽ phụ thuộc vào thế trận tấn công hay phòng thủ.
- Di chuyển khi tấn công: Người đứng sau đập cầu thì người đứng trước phải di chuyển sang bên còn lại để kịp hỗ trợ khi đối phương đánh trả. Thông thường, khi đập cầu, người chơi sẽ lùi về góc sân để đập cầu chính xác trong sân. Khoảng hở còn lại là toàn bộ phần sân bên còn lại và cả khu vực cận lưới. Thế nên, người còn lại phải đảm nhận toàn bộ khu vực trống này.
- Di chuyển khi phòng thủ: Khác với tấn công, người chơi phòng thủ chỉ tập trung chịu trách nhiệm cho phần sân đã được phân công mà không lấn qua phần còn lại. Vì như vậy 2 người chơi sẽ va đập khi cùng đỡ cầu. Cầu rơi ở sân bên nào, người chơi bên đó sẽ đỡ cầu, kể cả cận lưới hay cận biên. Sau khi trả cầu, người chơi phải trở lại trọng tâm phần sân của mình.
Những lưu ý cần tránh khi đánh cầu lông đôi
Việc thành thạo các kỹ thuật đã khó, kết hợp với 1 người khác trong phạm vi hẹp khi đánh đôi lại càng khó hơn. Trong đó, những lỗi cần tránh để cả 2 kết hợp ăn ý hơn là:
- Không nắm vững kỹ thuật di chuyển: Di chuyển là 1 trong những yếu tố quyết định kết quả chung cuộc. Nếu 1 trong 2 người, tệ hơn là cả 2 người trong đội, đều lúng túng khi di chuyển sẽ tạo ra khoảng trống trên sân, lực đánh trả yếu và đối thủ sẽ dễ dàng “bắt bài”.
- Nhìn về sau khi di chuyển: Cầu phải luôn trong tầm mắt của bạn kể cả khi di chuyển. Bạn sẽ tính toán sai điểm rơi chỉ trong vài giây lơ là. Mắc lỗi này, bạn không những bỏ lỡ cầu mà trong nhiều trường hợp còn dẫn đến chấn thương cho bạn và cả đồng đội.
- Đánh cầu bổng quá nhiều: Những đường cầu bổng sẽ mở đường cho đối thủ đập cầu. Vì thế đánh bổng chỉ nên áp dụng khi bạn ở thế bị động và cần thời gian để sắp xếp lại đối hình hoặc lấy lại vị trí cân bằng. Đánh bổng quá nhiều tức là bạn đang “phối hợp” với đối thủ, trực tiếp trao cho cơ hội chiến thắng cho họ thay vì đội của mình.
Đánh cầu lông đôi là cả một nghệ thuật. Bạn phải vừa phối hợp tư duy, di chuyển cho cách đánh của mình vừa phải “bắt sóng” đồng đội. MekongSport sẽ tiếp tục cập nhập các kỹ thuật và cách đánh cầu lông đôi, đơn hiệu quả trong những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Tổng hợp các kỹ thuật cầu lông cơ bản
- Cách đánh cầu lông giỏi nhanh
- Cách đập cầu lông mạnh, chính xác